THIÊN ĐƯỜNG CHO AI, KHI NGƯỜI VIỆT VẪN LIỀU MẠNG VƯỢT BIỂN?

Việt Nam lâu nay được truyền thông chính thống tô vẽ như một đất nước “hòa bình, ổn định, đáng sống, là điểm đến của thế giới”. Nhưng một nghịch lý đau đớn là: trong ba tháng đầu năm 2025, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ sang Anh – với 3.044 người.

Vậy câu hỏi đặt ra: Nếu Việt Nam là “thiên đường”, tại sao vẫn có hàng nghìn người bất chấp tính mạng, bỏ lại quê hương, vượt biên bằng con đường nguy hiểm nhất châu Âu?

Câu trả lời nằm ở đời sống thực tế của người dân, đặc biệt là ở nông thôn và vùng sâu vùng xa nơi mà sự nghèo đói, bế tắc, thiếu cơ hội và thiếu công bằng vẫn đeo bám dai dẳng.

Người dân không cần “tuyên truyền” về phát triển họ cần việc làm tử tế, thu nhập đủ sống, và một hệ thống an sinh không bỏ mặc người yếu thế. Nhưng hiện tại, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân lao động gần như vắng bóng. Giá cả leo thang, thu nhập trì trệ, trong khi cơ hội đổi đời hợp pháp thì hiếm hoi.

Nhiều gia đình phải vay hàng trăm triệu đồng để con em họ được “đi Tây” thường là qua các đường dây đưa người vượt biên lậu. Họ biết là nguy hiểm, là phạm pháp, nhưng với họ, đó vẫn là “canh bạc cuối cùng” để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trong nước.

Trong khi đó, những thảm kịch vượt biên kể cả cái chết vẫn không đủ để ngăn cản dòng người liều mạng tìm đường ra đi. Vì ở lại, với họ, không có hy vọng nào tốt hơn.

Đừng vội gọi một quốc gia là “thiên đường” khi chính người dân đang bỏ chạy. Một đất nước đáng sống không nằm ở các khẩu hiệu rực rỡ, mà ở chính sách thực chất, công bằng, và nhân đạo dành cho tất cả công dân nhất là những người yếu thế.

Thiện Nhân