Cán bộ lãnh đạo lấy tiền đâu ra hàng triệu USD để đánh bạc, trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc quy mô lớn ở King Club bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố mới đây đã làm rúng động dư luận xã hội. 

Có 141 bị can bị truy tố, trong đó có nhiều người từng giữ chức vụ cao trong bộ máy của đảng và nhà nước, với tổng số tiền đánh bạc lên tới 107 triệu USD khoảng 2.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, là trường hợp của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ ông Hồ Đại Dũng, bị cáo buộc đã đánh bạc với số tiền lên tới 7 triệu USD, và tương tự ông Ngô Ngọc Đức, cựu Bí thư Thành ủy TP. Hòa Bình, cũng bị truy tố với số tiền hơn 4,2 triệu USD.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức nhà nước dính vào các vụ án cờ bạc, nhưng mức độ, quy mô và số tiền trong vụ việc lần này khiến công luận thực sự bàng hoàng. 

Câu hỏi đặt ra là, họ đã lấy đâu ra hàng triệu đô la để đánh bạc? Trong điều kiện, lương của công chức, dù ở cấp cao nhất, cũng không thể tạo ra khối tài sản cỡ đó nếu không có thu nhập “ngoài luồng” từ tham nhũng. 

Vì vậy, việc để cho các cán bộ lãnh đạo có thể “đốt” hàng triệu USD vào trò đỏ đen trong thời gian dài mà không bị phát hiện, đã cho thấy một lỗ hổng nghiêm trọng trong cơ chế giám sát và quản lý cán bộ nhà nước.

Theo quy định, các cán bộ lãnh đạo đều phải kê khai tài sản định kỳ. Tuy nhiên, vụ việc lần này đã đặt ra sự nghi vấn về hiệu quả của quy trình kê khai tài sản.

Hơn thế, việc hàng loạt các giao dịch lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được chuyển qua hệ thống ngân hàng, hay tiền kỹ thuật số…, vậy mà Cơ quan An ninh Kinh tế không hề hay biết?

Tại sao những hành vi có dấu hiệu bất thường này trong một vụ án có quy mô khổng lồ như vậy trong suốt một thời gian dài, các cơ quan chủ quản đang ở đâu, và đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công an.

Công luận thấy rằng, việc truy tố vụ án đánh bạc là điều cần thiết, nhưng chưa đủ. Vấn đề cốt lõi là: phải xác định rõ trách nhiệm để xử lý các cá nhân và tổ chức đã để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này. 

Hồng Lĩnh – Thoibao.de