LẬT TÀU VỊNH XANH 58: KHI BẢN TIN DỰ BÁO THỜI TIẾT ĐẾN SAU THIÊN TAI

Theo thông tin chính thức, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến lúc 12h55 với 48 hành khách và 5 thuyền viên. Đến khoảng 13h30, khi tàu đến khu vực phía Đông hang Đầu Gỗ, một cơn giông dữ dội kèm mưa đá bất ngờ ập đến, khiến tàu bị lật úp. Trong khi đó, bản tin cảnh báo giông lốc đầu tiên từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chỉ được phát lúc 14h30, tức gần một tiếng sau khi tàu chìm. Bản tin tiếp theo, nhắm vào khu vực Hà Nội – cách xa hiện trường – được phát lúc 16h10. Có nghĩa là tin dự báo thời tiết quá trễ và hoàn toàn vô tác dụng vì loan báo sau khi sự kiện giông bão đã xảy ra.

Đây là một thực tế đau lòng và không thể nào biện minh nổi. Một vụ việc khiến người dân không chỉ bàng hoàng mà còn phẫn nộ vì sự chậm trễ và yếu kém trong cảnh báo thiên tai, một chức năng lẽ ra phải là ưu tiên hàng đầu của ngành khí tượng thủy văn, vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Bên cạnh đó, nạn nhân lênh đênh trên biển đến gần 5 giờ chiều, 10 người sống sót mới được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ. Sự kiện này cho thấy phải mất trên ba tiếng đồng hồ sau, đợi rất lâu, khi trời gần sẩm tối thì mới thấy lực lượng Biên Phòng đến. 

Chúng ta thử nhìn vào thời gian để thấy rõ vấn đề: 12h55 Tàu Vịnh Xanh 58 rời cảng đưa khách tham quan vịnh. 13h30 Tàu bị lật, trời chuyển giông lốc, mưa đá, lật úp tàu giữa biển. 14h30 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia mới phát bản tin cảnh báo giông bão cho khu vực miền Bắc. 16h10 Cảnh báo giông lốc cho Hà Nội (và vẫn không phải cho Quảng Ninh hay Hạ Long!). Tức là khi 34 người đã thiệt mạng, tin cảnh báo còn đang trong… khâu soạn thảo và phát hành. Không phải cảnh báo sớm mà là cảnh báo “hồi tưởng”.

Ai chịu trách nhiệm cho việc 35 người chết, 8 người mất tích. Liệu có cơ chế nào giám sát và xử lý trách nhiệm cá nhân trong bộ máy khí tượng hiện nay. Hay “sai sót khách quan, thiên tai bất ngờ”, rồi mọi chuyện sẽ chìm vào quên lãng. 

Lão Thất