Ngày 20/7/ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 20, với yêu cầu Hà Nội “làm sạch” khu vực nội đô bằng cách xóa sổ mọi xe máy chạy xăng kể từ ngày 1/7/2026, với lý do “vì mục tiêu môi trường và chất lượng sống”.
Ngay lập tức mạng xã hội lập đã dậy sóng, công luận đặt câu hỏi: Chính phủ cấm để cứu sự trong sạch của không khí, hay cấm để mở đường độc quyền cho xe máy điện VinFast của Vingroup?
Theo giới chuyên gia, mục tiêu nhằm đảm bảo sự trong sạch của không khí ở thủ đô là một chủ trương đúng, và cần thiết. Tuy nhiên cách triển khai của Chính phủ khá tùy tiện và mang tính phục vụ cho “nhóm lợi ích”?
Cụ thể, việc ấn định thời hạn trong vòng chỉ một năm liệu có đủ thời gian cho một đại đô thị như Hà Nội với 8 triệu dân “quay ngoắt” sang sử dụng phương tiện xe gắn máy điện?
Chưa kể đến các vấn đề về hạ tầng sạc đã triển khai đến đâu; Kế hoạch xử lý pin thải như thế nào; Các báo cáo đánh giá tác động xã hội – kinh tế đã hoàn tất hay chưa?
Quan trọng hơn, một chiếc xe máy điện của VinFast hay DatBike có giá bán trung bình hiện nay dao động trong khoảng 28–45 triệu đồng.
Với hàng trăm nghìn hộ buôn bán, giao hàng, tài xế công nghệ đang mưu sinh ở khu vực trung tâm thủ đô, con số ấy sẽ là cả núi nợ. Chưa kể đến pin chỉ bảo hành 3‑5 năm, thay pin tốn nửa giá xe, trạm sạc công cộng đa số vẫn nằm trên bản vẽ.
Điểm khiến dư luận nghi ngờ nhất: phí trước bạ, phí đăng ký, phí trông giữ xe xăng dự kiến tăng ngay quý III /2025, đây là chính sách vô tình hay hữu ý đã đẩy người tiêu dùng tới lựa chọn bắt buộc sử dụng xe máy điện, của VinFast hiện chiếm thị phần nội địa lớn nhất.
Từ 2022, hãng này đã được miễn phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt 0%. Nay thêm “lá chắn” cấm đối thủ xe máy chạy xăng, lợi thế của VinFast càng khuếch đại.
Tại sao Chính phủ không ưu tiên giải pháp “song hành” như Singapore, hay Thái Lan đã từng làm, bằng cách nâng chuẩn khí thải, khuyến khích thay thế xe cũ bằng xe xăng đạt tiêu chuẩn Euro 4?
Hồng Lĩnh – Thoibao.de