Cắp con vịt- án 7 năm, cắp tài nguyên ngàn tỷ-án treo!

Ngày 14/5, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường -Nguyễn Linh Ngọc, Đoàn Văn Huấn- Chủ tịch Công ty Thái Dương và 25 bị cáo diễn ra tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Vụ án khai thác trái phép đất hiếm. 

Đây là hành động đánh cắp tài nguyên quốc gia của doanh nghiệp có sự thông đồng của quan chức chính quyền. Có thể nói, đây là loại tội phạm có tổ chức rất nguy hiểm cho an ninh và nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mức án thì rất nhẹ.

Được biết, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên cựu Thứ trưởng Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, mức án 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Thiệt hại từ vụ buôn lậu đất hiếm này gây thiệt hại lên đến 736 tỷ đồng. Đấy là con số có thể chứng minh, còn con số thật có thể cao hơn, ước tính ngàn tỷ.

Doanh nghiệp không thể khai thác tài nguyên thành công nếu không có sự tiếp tay của Chính quyền. Ấy vậy mà, án nhẹ như lông hồng. 

Để dễ so sánh thì có thể tham khảo bản án ngày 16/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tuyên xử Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997, trú ấp Phước Chung, xã Mong Thọ, Kiên Giang) 7 năm tù về hành vi “cướp tài sản”. Tài sản này có giá trị 174 ngàn đồng.

Vì sao có những bản án bất công như vậy? Nguyên nhân bởi 2 từ “chạy án”. 

Mỗi bản án là cơ hội kiếm chác của bộ máy tố tụng. Nếu bị cáo nhiều tiền và chịu chi thì án nặng thành nhẹ, án nhẹ thành vô tội. Nếu không có tiền chạy chọt, họ dùng án nặng để ép cho nạn nhân phải vay mượn để đút lót. Nếu nạn nhân quá nghèo không chạy đâu ra tiền, họ giữ mức án nặng ấy. Bởi một khi đã ra giá mà không ai ngã giá thì họ giữ nguyên giá ấy.

Đó là lý do vì sao có nghịch lý cắp vịt án 7 năm, cắp ngàn tỷ án treo.

Trần Thái Hưng-Thoibao.de