Cấm xe máy xăng và căn bệnh nóng vội, thiếu thử nghiệm của lãnh đạo VN?

Chính sách cấm xe máy chạy xăng tại khu vực trung tâm của các thành phố lớn trên cả nước, đang đặt ra những lo ngại về tính khả thi, công bằng và dấu hiệu ưu ái cho một các nhóm lợi ích trong lĩnh vực xe điện.

Trong khi, trên thực tế đã cho thấy hạ tầng sạc pin chưa đầy đủ, điện lưới còn phụ thuộc lớn vào điện than, quy trình tái chế pin chưa rõ ràng, và giá thành xe điện vẫn vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người lao động.

Vậy thì việc ép buộc chuyển đổi bằng mệnh lệnh hành chính, liệu có phải là một chính sách dọn đường cho nhóm lợi ích kinh doanh xe máy điện đã được ưu đãi đặc biệt?

Theo giới chuyên gia, Việt Nam không thể giải quyết ô nhiễm không khí chỉ bằng cách chuyển đổi thay động cơ xăng bằng điện cho xe gắn máy, phương tiện phổ biến nhất hiện nay. 

Không thể “xanh hóa” giao thông bằng những cú mệnh lệnh hành chính như Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ đã biến chính sách môi trường trở thành sân chơi ưu tiên cho một vài doang nghiệp tư nhân. 

Theo giới quan sát, chủ trương vừa kể đã cho thấy rõ căn bệnh cố hữu của các lãnh đạo Việt Nam, đó là: nóng vội trong triển khai, thiếu giai đoạn thử nghiệm, và đặc biệt là xem nhẹ tác động thực tế đến ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Như việc, ban hành và triển khai Nghị định 168 – CP đầu năm 2025 về chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông là một chủ trương được Tổng Bí thư Tô Lâm đích thân chỉ đạo đã thất bại nhanh chóng.

Thay vì chọn làm thí điểm ở một vài địa phương, để theo dõi phản ứng xã hội, hiệu quả trên thực tế để rồi mới tiến hành nhân rộng, thì chính sách này lại được áp dụng ồ ạt đồng loạt trên cả nước trong thời gian rất ngắn. 

Kết quả, là một loạt hệ lụy tức thời phát sinh,  ùn tắc đã khiến người dân hoang mang, phản ứng tiêu cực và thậm chí mất niềm tin vào mục tiêu vì sự an toàn giao thông của Nghị định 168.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu, mà các chủ trương, chính sách ở Việt Nam thường mang tính mệnh lệnh hành chính thiếu tính khoa học. Đây chính là lý do đã khiến các chính sách mới ở Việt nam hầu hết đều phản tác dụng, và thất bại cay đắng.

Hồng Lĩnh – Thoibao.de